Khi các tác phẩm văn học tình cảm Pháp gắn với những cái tên tiêu biểu như Marc Levy hay Guillaume Musso không chỉ làm mưa làm gió trên toàn thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam thì câu hỏi đặt ra là, vì sao những tác phẩm này lại có sức cuốn hút lạ kỳ đến vậy, mặc dù giới chuyên môn không ít người cho rằng, những tác phẩm này khá… nhạt.
Hiện tượng của cả thế giới
Đã là người yêu thích thể loại văn học tình cảm, nhất là văn chương Pháp thì không độc giả nào lại không biết đến Marc Levy và Guillaume Musso. Hơn 10 năm nay, trên các kệ sách ngoài thị trường không lúc nào thiếu vắng những đầu sách của hai nhà văn này mà độc giả nào cũng có thể đọc vanh vách một vài cái tên. Với Marc Levy là “Nếu em không phải một giấc mơ”, “Kiếp sau”, “Bảy ngày cho mãi mãi”, “Bạn tôi tình tôi”…, với Guillaume Musso là “Rồi sau đó”, “Cứu lấy em”, “Hẹn em ngày đó”, “Bởi vì yêu”…
Trong danh sách các tác giả Pháp có tác phẩm bán chạy nhất trên thế giới do tạp chí Figaro bình chọn, thì Musso và Levy thay nhau đứng ở vị trí độc tôn. Lý giải cho sự thành công ấy, dịch giả Bằng Nguyên, người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm của hai nhà văn này cho rằng, các cuốn sách của Levy hay Musso có khả năng đặc biệt, đó là dẫn dắt độc giả vào thế giới đáng mơ ước. Mặc dù cách dẫn dắt vấn đề có khác nhau, chẳng hạn như Musso nghiêng về yếu tố kỳ bí, trinh thám, còn Levy có thể kết nối với độc giả bằng hương vị lãng mạn, ngọt ngào, nhẹ nhàng, nhưng đều hướng người đọc đến sự cân bằng vốn rất khó tìm trong cuộc sống thường nhật.
Xét về góc độ chuyên môn, TS Phùng Ngọc Kiên, Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố khiến văn học tình cảm Pháp sống được trong lòng độc giả đó là khả năng phân tích tâm lý rất xuất sắc. Chẳng hạn như tác phẩm “Đỏ và đen” của nhà văn Stendhal, mặc dù được sáng tác năm 1830, nhưng từ cốt truyện, mô tuýp cho đến cách thể hiện chưa bao giờ lỗi thời, bởi ông đã nắm bắt và chuyển tải rất tinh tế những diễn biến tâm lý, cảm xúc rất gần, rất thực của từng tuyến nhân vật.
Bán chạy nhưng vẫn bị chê?
Mặc dù được yêu thích trên toàn thế giới nhưng những tác phẩm văn học tình cảm Pháp cũng không tránh khỏi tâm điểm tranh cãi, khi nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là những tác phẩm văn học “bình dân”, nhạt nhòa, hời hợt, cổ súy cho lối sống ảo tưởng, phi thực tế. Nhận định về điều này, TS Phùng Ngọc Kiên khẳng định: “Giấc mơ là một trong những yếu tố được nhấn mạnh trong những tiểu thuyết tình cảm của Pháp. Khi nói đến giấc mơ thì quan trọng là nó có mang đến những cảm xúc hay không chứ không phải tính thực hư của nó”.
Dịch giả Bằng Nguyên thì khẳng định: “Tôi cho rằng những tác phẩm của Musso hay Levy không kéo độc giả xa rời thực tế, mà cho người đọc một sự tin tưởng. Rằng nếu làm điều tốt thì cũng sẽ nhận lại được những điều tích cực”. Chị viện dẫn, nhiều người lầm tưởng khi nói đến văn học tình cảm Pháp chỉ là Musso hay Levy mà còn có rất nhiều tác giả tiêu biểu như Anna Gavalda, Grégoire Delancourt và điển hình là Le Clézio hay Patrick Modiano, hai tác giả đã được nhận giải thưởng Nobel Văn chương. Như vậy, nói một cách khách quan, thì văn học tình cảm Pháp đã “ghi bàn” ở cả hai mặt trận là giới chuyên môn và công chúng.
Vậy, với những tác phẩm có thể coi là văn học tình cảm Việt Nam như của Anh Khang hay Hamlet Trương… được phát hành, tái bản với số lượng lớn và được nhiều bạn trẻ săn lùng, chờ đón, phải làm gì để chinh phục thế giới.
Bình luận về vấn đề này, dịch giả Bằng Nguyên cho hay: “Các nhà văn Pháp có lợi thế là được sống trong môi trường có một nền văn học được đánh giá cao, một đất nước đã có nền tảng về văn học lãng mạn. Trong khi đó, các nhà văn Việt Nam còn thiếu những cầu nối. Không chỉ giao cảm, cách thức biểu hiện mà họ còn gặp rào cản về ngôn ngữ. Nếu giải quyết được vấn đề này thì tôi tin rằng, các nhà văn lãng mạn Việt Nam cũng có cơ hội chinh phục độc giả Việt Nam cũng như độc giả thế giới”.
Xem thêm chuyên mục Tin Tức – Sự Kiện tại Achaubook