Cuộc cách mạng một cọng rơm – Nhiều người làm nông coi đây là sách gối đầu giường để thực tập và bồi đắp niềm tin cho chính mình. Còn những người bị lôi cuốn bởi chữ “tự nhiên” như tôi, thì cuốn sách này chứa đựng những kiến giải sâu sắc về nguồn sống của con người, đó là thức ăn và cách chúng được tạo ra qua hoạt động “nông nghiệp”.
Cuốn sách không chỉ là những câu chuyện về nông nghiệp đơn thuần, mà là cái nhìn thấu triệt sâu sắc về “đạo” của người làm nông.
Hành trình không dễ dàng
Vườn cam ban đầu chết rụi, 400 cây cam tiếp theo cũng chung số phận, nhưng đấy có lẽ là nấc thang đầu tiên mà bất cứ ai cũng phải đi qua khi bắt đầu hành trình nuôi dưỡng đất đai màu mỡ trở lại. Không có sẵn một con đường nào cụ thể, ông bắt đầu vừa làm vừa quan sát để điều chỉnh cho vụ mùa sau. Cho tới khi những cây cam tự tìm thấy con đường xanh tươi trở lại, khi những ruộng lúa đầy những loại côn trùng, ong, bướm, chuồn chuồn, ếch, nhện và trở nên sống động trở lại như một vườn địa đàng.
Tất cả hành trình đó, ông đi qua những lời chỉ trích, những lời phản bác của những nông dân khác, những nhà khoa học và cả chính cha mình.
Con đường về với nông nghiệp tự nhiên bắt đầu từ sự buông bỏ
Có thể nào trồng rau mà không làm cỏ? Có thể nào trồng trọt mà không cần vun xới? Có thể nào cây cho quả, rau cho hái mà không cần bón phân, không cần phun thuốc trừ sâu bọ? Câu trả lời là có. Có người làm ra những sản phẩm như thế để bán và sinh ra tiền. Điều đầu tiên cần làm là học cách buông bỏ.
Buông bỏ những cái sai lầm mà nền nông nghiệp hiện đại mang lại, buông bỏ những cái cũi mà tiện nghi vật chất đang khóa trái ta, buông bỏ những chấp niệm trong tri thức mà những cuốn sách trồng trọt hay chăn nuôi, những thứ trong sách vở từng dạy.
Sự khác biệt giữa tự nhiên và phi tự nhiên đã nằm chính trong những sản phẩm của nó, những nông sản chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Một cây cam bị sâu hại tấn công, một quả cà chua vẹo vọ, một quả dưa chuột cong queo hay một cây rau ốm yếu là tự nhiên hay phi tự nhiên. Cốt lõi của việc có thể bắt đầu làm nông tự nhiên được là phải hiểu rõ sự khác biệt này.
Trước đây, thời rất lâu về trước ông bà tổ tiên đã làm nông theo cách thuận tự nhiên như thế. Người nông dân thấu hiểu đất đai và chung sống hòa bình với đất đai ấy cùng cây cối sinh sôi trên đó. Kể từ khi chúng ta đánh mất chính mình trong bản cam kết hợp tác win –win với môi trường sống, chúng ta vắt kiệt sức lao động của đất bằng tham vọng của mình, chúng ta dùng trí tuệ để nghiễm nhiên hưởng lợi trên sự hiền lành của đất, và đẩy mình vào thế lưỡng nan trong chuỗi thức ăn bằng chính sự tham lam đó. Ăn gì để không chết? Xin thưa: hãy ăn những thứ mà mẹ tự nhiên cho con người.
Và hành trình về với tự do trong nông nghiệp chính là về lại với những món quà tốt lành nhất mà thiên nhiên ban cho con người, là không đi ngược lại với tự nhiên. Đó là con đường làm nông thuận tự nhiên.
Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là trồng trọt và chăn nuôi
Mà đó là trả lại công việc trồng trọt và nuôi sống những loài động vật cho thiên nhiên. Khi đó, con người chẳng phải làm gì cả mà chỉ cần ở đúng vị trí của mình trong chuỗi vận động của tự nhiên đó mà thôi.
Để làm được điều này, cần thấu triệt những tác động và mối quan hệ của nông nghiệp trong tự nhiên. Trong cuốn sách, ông Fukuoka giải thích rằng khi phân hóa học vãi xuống đất, cây cối chỉ hấp thụ được một phần, phần còn lại sẽ đi vào môi trường, các hợp chất nito khi theo nước mưa ra biển sẽ khiến các loài tảo hấp thu và phát triển mạnh gây ra thủy chiều đỏ. Ô nhiễm do hoạt động nông nghiệp là một bài toán nan giải khác của loài người.
Thực phẩm tự nhiên có phải luôn cần giá cao
Lão nông đã từng vô cùng giận dữ khi người ta yêu cầu ông gửi mật ong từ vườn cam trên núi và trứng gà núi cho một cửa hàng ở thành phố để rồi vị thương gia đó bán với giá cắt cổ. Ông Fukuoka ngay lập tức không gửi hàng cho vị thương gia đó nữa vì ông tin rằng nếu làm như vậy thì gạo của ông sẽ bị trộn với loại gạo khác và cũng sẽ đến tay khách hàng một cách không trung thực.
Theo ông, những thực phẩm tự nhiên được trồng với chi phí tối thiểu nên nó cũng phải có giá thấp nhất, để tất cả mọi người đều có thể mua được. Người tiêu dùng ngay cả ở Nhật Bản luôn nghĩ thực phẩm tự nhiên phải có giá cao, nếu giá thấp họ sẽ nghi ngờ nó không tự nhiên. Điều này là vô lý. Ông muốn thực phẩm tự nhiên phải trở nên thông dụng và không thể có giá cắt cổ, khi đó mọi người mới có thể bắt đầu suy nghĩ đúng đắn về thực phẩm tự nhiên và suy nghĩ đúng về cách ăn uống của chính mình.
Ai đẩy người nông dân vào thế lưỡng nan?
Xin thưa chính là bạn, tôi, những kẻ sắm vai người tiêu dùng, là những người tiếp tay cho hóa chất nông nghiệp. Bằng cách nào? Hãy nhớ lại cách bạn chọn mua nông sản hàng ngày.
Bạn nói rằng họ thích các sản phẩm tự nhiên không hóa chất, nhưng lại chỉ chọn mua những quả dưa chuột hay những quả táo bóng đẹp, to đồng đều và từ chối những quả nhỏ, có tỳ vết…có giá thấp bằng một nửa hoặc hơn.
Bạn sẵn sàng trả giá cao cho những nông sản mẫu mã đẹp buộc người nông dân phải dùng tới hóa chất. Bạn thích ăn rau quả trái mùa khiến những nhà kính mọc lên như nấm và đòi hỏi người nông dân phải sắm máy móc trồng trọt nhân tạo và hóa chất. Bạn sung sướng móc hầu bao nhiều hơn cho những loại trái cây bán sớm một tuần cũng khiến người nông dân phải tìm cách kích cho cây chín sớm, và khi cây chín sớm quả chưa đủ độ ngọt thì lại phải tìm cách để tạo độ ngọt cho quả.
Những bi kịch này và cả nhiều tấn trò khác mà người tiêu dùng đang thao túng thị trường và đẩy người nông dân vào thế khó xử, và cả cách những loại rau quả sau thu hoạch được đối xử để luôn có mẫu mã “tươi, ngon” nhất tới tay người mua được Fukuoka kể ra chân thực trên chính bối cảnh nước Nhật.
Xem thêm review sách hay tại Achaubook