Vì sao bạn không nên trốn chạy những cuốn sách vượt tầm hiểu biết của bản thân?
Cần đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình. Một nguyên tắc trong việc tự học mà ta không nên quên là chỉ có những công phu nào có nhiều cố gắng mới có thể có lợi cho sự tiến bộ tinh thần trí não thôi.
Không cố gắng, không sao tiến bộ được. Có nhiều người quá thận trọng, quá rụt rè, không dám đọc những sách cao quá trình độ hiểu biết của mình.
Đọc sách cũng một trình độ tư tưởng của ta, cũng như đọc những sách cùng đồng một chí hướng của ta chẳng khác nào kết bạn với những bực ngang hàng, chỉ được có người tán tụng phụ hoạ mà không được có người nâng đỡ hoặc giúp ta đặt lại vấn đề cũng suy nghĩ thêm nhiều khía cạnh bất ngờ khác.
Lợi ích đọc sách vượt tầm hiểu biết đem lại
Có ích gì những sách cùng một trình độ với mình, vì họ chỉ mang lại cho ta có cái tiếng dội của những ý kiến của ta mà thôi. Tác giả không cao hơn ta sẽ không giúp ích gì cho ta. Tuy lắm khi mình không theo kịp họ, nhưng cũng có lúc mình cũng lấn họ, và nếu cần, cũng chống lại với họ.
Sau khi đọc xong quyển sách, mặc dù mình không đạt được hết tư tưởng của tác giả, mình cũng thấy chỗ thay đổi trong cái người tinh thần của mình.
Những chỗ tối tăm khó hiểu của họ lắm khi cũng giúp cho ta suy nghĩ thêm nhiều hơn là khi họ nói ra một cách rạch ròi vỡ vạc. Nhà tư tưởng Joubert có nói đại khái như vầy: “Những ý tưởng rõ ràng sáng sủa giúp cho tư tưởng; nhưng chính những ý tưởng mập mờ lại giúp ta hành động, chính những ý tưởng ấy chỉ huy sự sống của ta”.
Ở đây chúng tôi muốn nói về những quyển sách cao sâu, vượt quá cái tầm hiểu biết thường của ta, chứ không phải muốn nói về những loại sách tối nghĩa của những kẻ muốn lập dị cầu kỳ mà thực ra rất tầm thường và nông nổi.
Làm bạn thì nên làm bạn với những kẻ cao hơn mình về tài đức, đọc sách nên đọc những quyển sách cao hơn trình độ tư tưởng của mình thì mới mong tiến bộ mau trên con đường tri thức. Đối với bất cứ sách nào, phải dành cho nó một tấm lòng thiện cảm.
Đọc chậm và cảm nhận từ từ, không nên vội vàng
Trước khi phê bình một quyển sách nào, phải để chút hy vọng và tin tưởng nơi nó. Một người viết sách, dù có dở đến bực nào, cũng đã lao khổ nhiều với tác phẩm của mình. Họ cũng đã bỏ nhiều thời giờ suy nghĩa nghiền ngẫm mới viết ra. Thật cũng đã lao tâm khổ tứ với nó không ít. Nếu trước khi đọc nó, mình lại thiên ý, hoặc có ý kình địch, ác ý, đó là tự mình làm mất một cơ hội tốt. Biết đâu trong khi cùng “âm thầm đàm luận” với quyển sách, nó không khêu gợi cho mình nhiều ý nghĩ hay hay.
Có nhiều người viết văn rất khúc mắc khó đọc. Có khi vì họ kém cái tài ăn nói, không biểu diễn ý tưởng của mình được một cách giản dị rõ ràng, hoặc là tác giả có ý cầu kỳ lập dị…Nhưng mình cũng không vì đó mà không ráng công với họ một chút để tìm hiểu họ. Có khi họ sẽ đền đáp với mình rất hậu. Cần nhất là mình phải có chút ít thiện cảm, để cùng nhận xét và thông cảm với họ.
Thường ta có thói quen “hễ đồng với ta là phải, không đồng với ta là quấy”mà mang theo mình đầy thành kiến trong khi đọc sách. Như thế, đọc sách không lợi ích gì cho ta cả. Huống chi đọc sách mà có nhiều thiên kiến, nhất là ác cảm, thì chắc chắn không làm gì hiểu được thâm ý của tác giả.
Xem thêm thói quen đọc sách giúp thay đổi tính cách