Các giải thưởng lớn về văn học đều không tìm được tác phẩm xứng tầm để trao, trong khi đó, những cây bút được trông đợi lại không cho ra được các tác phẩm đột phá.
2018 là năm mà độc giả yêu văn chương được đón nhận nhiều kiệt tác của thế giới. Nhưng trái với sự đa dạng phong phú, chất lượng của tác phẩm dịch, đời sống văn chương nước nhà dường như không có gì nổi trội.
Văn học Việt Nam “thảm bại”
Nhưng cuối tháng 12/2018, khi giải thưởng này được công bố, giới văn chương chỉ biết dùng một từ “thất bát”. Năm nay, giải chỉ được trao ở một hạng mục duy nhất là tác phẩm dịch (dịch phẩm Diệt vong của Thomas Bernhard do Hoàng Đăng Lãnh chuyển ngữ).
Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam công bố Giải thưởng năm 2018, trong đó, hai hạng mục lớn nhất của giải là văn xuôi và thơ đều không có tác phẩm nào được vinh danh. Đây đã là năm thứ hai giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam bỏ ngỏ hai hạng mục chủ lực của văn chương. Ba tác phẩm được trao trong giải thưởng năm nay ở hạng mục lý luận phê bình và tác phẩm dịch.
Những năm gần đây, kết quả giải thưởng của Hội thường gây sóng gió: khi thì tác giả được trao từ chối nhận giải, khi thì trao cho tác phẩm gây phản ứng. Bởi vậy, khi để trống hai hạng mục văn xuôi và thơ, có thể đó là lựa chọn chọn an toàn của Ban Giám khảo, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhưng điều đó cũng phản ánh một thực trạng: dường như năm qua không có bất kỳ tác phẩm nào nổi bật. Sách mới vẫn ra nhiều, nhưng không có tác phẩm nào đủ lớn để những người cầm cân nảy mực ở các giải thưởng có thể tôn vinh.
Ở một giải thưởng khác, không mang tính tôn vinh mà có ý nghĩa tìm tòi những gương mặt mới – Giải thưởng Văn học tuổi 20 – cũng không có kết quả trọn vẹn. Văn học tuổi 20 thường tổ chức 5 năm một lần, là nơi từng phát hiện ra những cây bút trẻ, giàu nội lực và phát triển thành những nhà văn tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt, Dương Thụy… Tuy nhiên, mùa giải năm nay, Giải để trống hạng mục cao nhất.
Văn học Việt Nam thiếu những tác phẩm nổi bật so với văn học dịch
2018 cũng có tác phẩm của một đại thụ làng văn viết đã lâu nhưng lần đầu xuất bản chính thức ở Việt Nam: tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp. Trái với sự mong đợi, tiên đoán về một tác phẩm của tác giả từng gây “náo loạn” văn đàn, tiểu thuyết thực sự là một quả “bom xịt” khi ít được truyền thông quan tâm, và những phản hồi dè dặt từ giới phê bình, độc giả.
Tuổi 20 yêu dấu không phải là một tác phẩm tệ, nhưng dường như nó đã được đặt vào quá nhiều kỳ vọng, để rồi khi ra mắt, cái kết có phần vội vã và kết cấu của tác phẩm không đáp ứng được mong mỏi của độc giả. Những thông tin phản ánh hiện trạng nhức nhối của xã hội 15 năm trước giờ đây đã có phần nguội, khiến cho tác phẩm chịu thiệt thòi khi ra mắt quá muộn so với thời điểm được viết ra.
Một số cây bút trẻ, đạt nhiều thành công ở những năm trước, và được chờ đợi sẽ bứt phá ở 2018, cũng không thể vượt nổi thành tựu của họ trước đó. Đinh Phương với tiểu thuyết Nhụy Khúc (ra mắt 2016) gây chú ý trong giới phê bình và được coi là cây bút nhiều triển vọng; nhưng đến 2018, tập truyện ngắn Mơ Lam Kinh của anh chưa tạo được sự đón nhận, phân tích “mổ xẻ” như kỳ vọng.
Tương tự, tác giả Huỳnh Trọng Khang tạo được hiệu ứng truyền thông với tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ (2016). Dù bị chỉ ra một vài lỗi lịch sử, tác phẩm này đã được trao giải thưởng hạng mục Phát hiện mới của giải thưởng Sách Hay năm 2017, được đưa ra bình luận tại tọa đàm văn chương vẫn là thành công lớn với một tác giả sinh năm 1994. Nhưng tới 2018, tiểu thuyết tiếp theo của anh – Những vọng âm nằm ngủ – ra mắt và dường như chìm nghỉm giữa bể sách mới.
Cuộc thi Văn học tuổi 20 năm nay phát hiện ra một thế hệ viết mới như Maik Cây, Mai Thảo Yên, Phạm Bá Diệp… Tuy nhiên, các tác phẩm dự giải của họ chưa thực sự tạo được dấu ấn trong cộng đồng.
Thế hệ mới chưa tạo được nhiều dấu ấn
Một số tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận trong năm đều là của những tác giả có lượng người hâm mộ đông đảo. Những cái tên như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… mỗi lần ra sách đều đạt con số phát hành lớn. Vì thế, việc hơn một trăm nghìn bản sách Cảm ơn người lớn của Nguyễn Nhật Ánh được phát hành cũng không phải là một thành tựu hay dấu ấn của văn chương năm qua.
Nếu có một điểm sáng nào đó cho văn chương 2018, thì đó là việc nhiều nhà văn Việt Nam được tôn vinh ở các giải thưởng của những tổ chức quốc tế. Đó là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh được trao Giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) tại Hàn Quốc; là Nguyễn Ngọc Tư với tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận (Endlose Felder) chiến thắng giải Literaturpreis 2018 do Litprom – hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) – bình chọn; là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với Giải thưởng Changwon KC International Literary tại Hàn Quốc.
Đó có thể là tín hiệu vui khi tác giả và tác phẩm của văn chương Việt đã được chuyển ngữ, đến với bạn đọc nước ngoài và được tôn vinh. Tuy nhiên, các tác phẩm được trao giải đều là những tác phẩm cũ, đã là những giá trị được công nhận.