Theo tổng kết của Cục Xuất bản, năm 2018, toàn ngành sách đã có gần 32.000 cuốn sách mới với hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017.
Năm 2018 là năm mà lượng sách làm ra tăng lớn cả về số đầu sách lẫn bản sách.
Bên cạnh đó, lượng sách vi phạm nội dung giảm, các nhà xuất bản đã có đủ điều kiện về vốn, nhân lực để hoạt động.
Số đầu sách tăng vượt trội, 59/59 NXB đủ điều kiện hoạt động
Số lượng xuất bản phẩm được làm ra, lưu chiểu cũng tăng vượt trội với gần 32 nghìn cuốn hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% về số cuốn, tăng 24,7% về số bản so với cùng kỳ năm 2017.
Các năm trước, việc cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản (NXB) theo quy định của Luật xuất bản gặp nhiều vướng mắc. Vấn đề này được đặt ra từ 2016, đến đầu năm 2017, có 19/60 NXB không đủ điều kiện về vốn, nhân lực để hoạt động.
Từ đầu năm 2018, Cục Xuất bản đã đưa ra biện pháp mạnh để xử lý vấn đề này, “sẽ tạm dừng cấp phép xuất bản với những đơn vị nào chưa có đủ điều kiện, giấy phép hoạt động mới”. Do vậy, đến cuối năm 2018, 59/59 NXB đã có giấy phép thành lập mới.
Xuất bản sách giáo khoa là một vấn đề nổi cộm trong năm qua.
Nhằm xóa bỏ thế độc quyền trong in, xuất bản và phát hành sách giáo khoa, Cục Xuất bản đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ xuất bản sách giáo khoa, sách giáo viên cho 5 NXB. Bên cạnh đó, Cục cũng cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho 1 NXB.
Lượng nhà phát hành mới trong năm 2018 cũng tăng lên. Trong năm, Cục đã cấp 5 giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm (tăng 150% so với 2017), cấp 4 giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm.
2018 cũng là năm mà hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý xuất bản mang lại hiệu quả mạnh mẽ. Thông qua cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, hơn 2 nghìn hồ sơ đăng ký xuất bản của các NXB, 719 hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh của các cơ sở phát hành.
Trong năm, các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 tại Hà Nội và trên toàn quốc cũng được Cục Xuất bản tổ chức thành công, với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích. Hội sách 2018 do Cục đứng ra tổ chức theo hình thức xã hội hóa.
Để chống căn bệnh “nhờn thuốc” in lậu, năm 2018, cơ quan quản lý Nhà nước về Xuất bản đã đưa ra những kế hoạch, giải pháp cụ thể. Trong đó, giải pháp tình thế đưa ra là hợp nhất quy chuẩn tem chống giả theo phương án công nghệ QR code.
Trước mắt, Cục phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch phòng chống in lậu. Về lâu dài, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động in phải được hoàn thiện; trong đó, đề nghị sửa đối hình thức xử phạt với những đối tượng in lậu, để hình phạt đủ sức răn đe.
Xử lí kịp thời các vi phạm
Xử lý 63 xuất bản phẩm vi phạm
Qua 3 cuộc thanh tra, những cuộc kiểm tra đột xuất, 16 cuộc kiểm tra theo kế hoạch với hoạt động in ấn, đã có 8 quyết định xử lý vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân. Số tiền phạt là 153 triệu đồng, buộc phải tiêu hủy hơn 1.000 sản phẩm in vi phạm và tự nguyên tiêu hủy 63 xuất bản phẩm.
Bên cạnh tổng kết cuối năm, cơ quan quản lý Nhà nước về Xuất bản cũng đưa ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2019. Theo đó, năm tới Cục đề xuất với Chính phủ quyết định triển khai hai đề án đã trình Thủ tướng vào năm 2016: “Chương trình Sách Quốc gia”, đề án “Khôi phục, duy trì và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”.
Một chiến lược phát triển các nhà xuất bản lớn trong tương lai được đưa ra. Năm tới, Cục sẽ nghiên cứu, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp. Có 7 NXB có tiềm lực được đề xuất triển khai, trong đó có 5 NXB mạnh nhất hiện nay, và 2 NXB để phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghệ.
Phòng, chống in lậu vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới của đơn vị quản lý ngành xuất bản, in, phát hành. Năm tới, Cục sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp phòng chống in lậu để Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, triển khai.
2018 là năm thứ 5 Ngày Sách Việt Nam được hình thành, triển khai trên toàn quốc. Trong năm tới, việc tổng kết chặng đường 5 năm hoạt động này, đưa ra những thành tựu, hạn chế sẽ giúp các đơn vị xây dựng những mô hình, phương thức hiệu quả phát triển văn hóa đọc.