Với Mukherjee, “Hoàng đế bách bệnh” là câu chuyện về mã di truyền đã suy tàn và không thể cứu chữa. Còn “Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại” chính là tiền truyện của nó. Siddhartha Mukherjee xứng danh là nhà sử học của ngành y học.
Tiểu sử của Siddhartha Mukherjee
Siddhartha Mukherjee sinh năm 1970 là nhà sinh vật học, bác sĩ chuyên khoa ung thư và nhà nghiên cứu Y học người Mỹ gốc Ấn Độ. Vào năm 2010, ông ra mắt cuốn sách The Emperor of All Maladies: A Biography of Cancer giành được giải thưởng Pulitzer 2011 cho tác phẩm Non-fiction. Vào năm 2018, cuốn sách đã được Omega Plus phát hành với tựa đề: Lịch sử ung thư – Hoàng đế của bách bệnh. Cuốn sách này không chỉ đạt thành công về mặt thương mại với hàng triệu bản được bán ra mà nó cũng có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với ngành Y học cũng như những người quan tâm đến bệnh Ung thư. Cuốn sách được xếp trong danh sách “100 cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại” theo Tạp chí Times đánh giá năm 2011.
Vào năm 2016, Mukherjee ra mắt cuốn sách mới “The Gene: A Intimate History” và nhanh chóng chiếm giữ vị trí số 1 của New York Times, nằm trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất. Cuốn sách được đề cử lọt vòng chung kết của Wellcome Trust Award và Giải thưởng của Hiệp Hội Hoàng Gia về sách khoa học. Hiện tại, cuốn sách đã có mặt tại Việt Nam với tựa đề “Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại” thuộc Omega Plus.
Sau khi học phổ thông tại Ấn Độ, Mukherjee theo học chuyên ngành Sinh học tại Đại học Stanford, sau đó lấy bằng D.Phil tại Đại học Oxford và bằng Tiến sĩ tại Đại học Harvard. Năm 2009, ông gia nhập khoa Y tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia. Đến năm 2018, ông là phó giáo sư Y khoa thuộc Khoa Huyết học và Ung thư.
Sự trưởng thành hướng tới sự nghiệp đáng ngưỡng mộ
Trong thời gian làm việc tại đây, ông đau đáu trăn trở về căn bệnh Ung thư quái ác mà ngày ngày, ông cùng đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân – người nhà chiến đấu với tử thần giành giật sự sống. Đây là động lực thôi thúc ông bắt đầu con đường truy dấu tận cùng gốc rễ của căn bệnh này.
Ngược dòng 4600 năm lịch sử từ những ghi chép sơ khai cổ xưa nhất, ông men theo dòng thời gian để tổng hợp và phân tích những nghiên cứu – công trình của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực. Cho đến giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, sau phát kiến phương pháp gây mê và kháng sinh giúp nền y học thế giới đạt bước tiến vượt bậc.
Ung thư được công chúng nhận thức rõ ràng hơn và ngành Y học mở ra con đường sống mới cho những bệnh nhân “mang án tử”. Công trình của ông không chỉ dừng lại ở đó, ông tiếp tục theo dõi và trực tiếp đặt chân vào ngành Y khoa với công việc tại Khoa Huyết học và Ung thư để là người viết tiếp trang sử về lĩnh vực này, hướng đến mục tiêu có thể tìm ra cách thức triệt để chữa căn bệnh hoàng đế.
Những tác phẩm gây được tiếng vang nối tiếp nhau
Sau thành công của Lịch sử Ung thư, Mukherjee bắt đầu chuyến du hành thời gian mới để khám phá về Gen: Lịch sử và Tương lai của nhân loại. Tại đây, ông kể lại câu chuyện của gia đình mình với hai người chú và một người anh họ bị tâm thần phân liệt.
Trong ông dù không rõ ràng nhưng đã bắt đầu nhen nhóm những nỗi lo sợ về mầm mống căn bệnh đang được nuôi dưỡng bên trong mình. Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại được sắp xếp cả theo thứ tự niên đại lẫn chủ đề mà đường cong chính yếu là lịch sử. Mukherjee bắt đầu dẫn dắt từ khu vườn trồng đậu của Mendel, trong một tu viện hẻo lánh ở Moravia vào năm 1864, nơi « gen » được khám phá rồi nhanh chóng bị quên lãng. Được kể song song với câu chuyện này là học thuyết tiến hóa của Darwin.
Gen đã mê hoặc các nhà cải cách Anh và Mỹ, những người nuôi hy vọng thao túng di truyền học người để tăng tốc quá trình tiến hóa và giải phóng nhân loại. Ý niệm này leo thang đến tột đỉnh ghê rợn ở Đức thời Quốc xã vào những năm 1940 với những thí nghiệm dị hợm, mà đỉnh điểm là sự giam cầm, triệt sản cưỡng bức, gây chết êm dịu, và giết người hàng loạt.
Đã có rất nhiều cuốn sách kể lại cách ý tưởng về gen ra đời cũng như những khám phá đầu tiên, nhưng không quyển sách nào đạt đến tầm vóc mà Siddhartha Mukherjee làm được. Ông đã chứng minh được gen là “một trong những ý tưởng mạnh mẽ và nguy hiểm nhất trong lịch sử khoa học.”
Với Mukherjee, “Hoàng đế bách bệnh” là câu chuyện về mã di truyền đã suy tàn và không thể cứu chữa. Còn “Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại” chính là tiền truyện của nó. Siddhartha Mukherjee xứng danh là nhà sử học của ngành y học.