Tọa đàm dân chủ và những quyền lực trung gian

Tọa đàm ‘Dân chủ và Những quyền lực trung gian’ bàn luận 1 số vấn đề trong cuốn sách kinh điển về triết học chính Trị ‘Nền Dân Trị Mỹ’

Đôi lời về chủ đề tọa đàm

Năm 1831, Alexis de Tocqueville, một trí thức và quý tộc Pháp mới 25 tuổi được chính phủ Pháp cử sang Mỹ để tìm hiểu về quốc gia non trẻ này. Ba năm sau chuyến du khảo chín tháng này, Tocqueville cho ra đời cuốn “De la démocratie en Amérique” ( “Nền dân trị Mỹ”, bản dịch tiếng Việt của Phạm Toàn, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức, 2011), một tác phẩm kinh điển và tới giờ vẫn quan trọng hàng đầu trong ngành chính trị học

Trong “Nền dân trị Mỹ”, Tocqueville tìm hiểu, phân tích và dự báo những khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực của nền dân chủ với mức độ sâu sắc và chính xác đáng kinh ngạc. Ông đề cập tới những vấn đề tới nay vẫn nguyên tính thời sự: Nguy cơ gì cho xã hội hiện đại khi sự thờ ơ, tính phi chính trị và chủ nghĩa cá nhân ngày càng gia tăng trong người dân? Làm sao cân đối được mối quan hệ giữa tự do và bình đẳng? Làm sao hợp nhất sự tham gia của toàn dân với thể chế chính trị đại diện?

Nhưng đặc biệt, “Nền dân trị Mỹ” chỉ ra những hạn chế của bộ máy quản trị hiện đại.

Quá mạnh và quá hiệu quả, nó khuất phục con người mà không cần hành hạ ai. Nó hiếm khi “bắt ai phải làm gì, trái lại, chỉ thường xuyên không để cho ai làm gì hết”. Bộ máy này “không phá hủy mà chỉ ngăn cản; không khủng bố mà chỉ kìm hãm (…), không bẻ gẫy ý chí tự do mà chỉ làm cho mòn mỏi, cùn nhụt, khiến nhân dân trở thành một bầy đàn những con vật chăm chỉ và sợ hãi, xem nhà nước là người chủ chăn”.

tọa đàm dân chủ và những quyền lực trung gian

Để hạn chế quyền lực của nhà nước và bảo đảm tự do cá nhân, Tocqueville đề xuất xây dựng “các quyền lực trung gian” giữa nhà nước và nhân dân với “nhiều khôn ngoan, hiểu biết và năng lực”. Các quyền lực trung gian này không phải là gì khác mà chính là sức mạnh tổng hợp của những hội đoàn, của báo chí và nền tư pháp. Chúng là thành trì để bảo vệ việc tham gia của nhân dân vào công việc chung và là môi trường để rèn luyện tinh thần tự do cho công dân. Đây chính là nền tảng vững chắc của nền dân chủ Mỹ.

Trong Reading Circle tháng 10/2016, diễn giả Lê Quang Bình sẽ giới thiệu “Nền dân trị Mỹ” với chúng ta, và cùng thảo luận về các thách thức trong việc xây dựng một xã hội dân sự khoẻ mạnh và những con người có lối sống dân chủ, vốn cần thiết để thúc đẩy quá trình dân chủ hoá của xã hội, cũng như củng cố và nuôi dưỡng nó.

Giới thiệu diễn giả

tọa đàm dân chủ và những quyền lực trung gian

Lê Quang Bình, thạc sĩ ngành chính sách công, ĐH Princeton, Hoa Kỳ, là một nhà hoạt động xã hội giàu kinh nghiệm. Là người đồng sáng lập và giữ vai trò Viện trưởng của iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) trong hai nhiệm kỳ, anh đã cùng các đồng nghiệp vận động thay đổi chính sách và luật trong các lĩnh vực LGBT, thanh niên và quyền của người thiểu số, góp phần đáng kể cho sự phát triển của không gian xã hội dân sự ở Việt Nam.

Xem thêm chuyên mục Tin Tức – Sự Kiện tại Achaubook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *