Lolita được dựa trên câu chuyện bắt cóc có thật

Câu chuyện bi thương của Sally Horner vẫn đang được truyền tải trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của Nabokov.

Câu chuyện có thật

Lolita được dựa trên câu chuyện có thật

Vào ngày 13 tháng 7 năm 1948, Sally Horner đã lấy trộm cuốn sổ trị giá 5 cent từ một cửa hàng tạp hóa địa phương. Sally làm điều đó theo một nghi thức để được chấp nhận vào một hội nữ sinh em rất muốn được gia nhập. Hành động này có vẻ ít nguy hại hơn so với những việc lũ trẻ hiện đại làm để vào các băng đảng đường phố hay những hội ăn chơi, nhưng nó đã đẩy Sally dần vào một chuỗi các bi kịch – và tạo nên chất liệu cho một trong những thành tựu văn chương vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

“Ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi…” đa số chúng ta đã quen thuộc với đoạn giới thiệu trong cuốn tiểu thuyết khét tiếng của Vladimir Nabokov, Lolita. Đây là cuốn sách đã tạo ra sự tranh cãi trong hơn 60 năm bởi nội dung cấm kỵ – thói mê quan hệ tình dục với trẻ em (ấu dâm) – những cuộc tranh luận chủ yếu về nhân vật cô gái trẻ trong những sự tương tác của cô với nhân vật chính, Humber Humbert. Liệu Lolita được hình tượng hóa như một người trưởng thành hay như một đứa trẻ? Liệu sự lãng mạn có thể là thứ cho thấy sự tự nguyện hay cưỡng bức? Các câu hỏi đạo đức tồn tại ở cuốn sách có thể khiến nhiều độc giả né tránh, nhưng có một thứ mà không ai có thể nghi ngờ: Nabokov đã viết cuốn tiểu thuyết với kỹ năng hoàn hảo và câu chuyện hấp dẫn – mặc dù là một câu chuyện kinh khủng. Tuy nhiên, một số ít người biết được rằng Lolita được dựa trên câu chuyện của Sally Horner.

Khi Horner đang rời khỏi cửa hàng tạp hóa, cuốn sổ cất kín trong cặp của em, một người đàn ông tên là Frank La Salle đã tóm tay em. Hắn tự nhận mình là nhân viên của FBI, và nói rằng Sally đã bị bắt. Hắn nói rằng em có thể sẽ bị kết án và được đưa đến trại cải tạo trừ khi em đồng ý thỉnh thoảng gặp và báo cáo cho hắn. Em đã đồng ý trong tiếng nức nở của mình. Nhưng ngày hôm sau, gã đàn ông đã tiếp cận em với luật lệ mới. Sally phải đi với hắn ngay lập tức đến thành phố Atlantic.

Phải sau 21 tháng Sally mới có thể trốn thoát khỏi thủ phạm. Câu chuyện cũng có các phần kỳ quái, kinh khủng, và cường điệu – yếu tố sau cùng này chắc hẳn là do các câu chuyện bắt cóc trẻ em rập khuôn có thể nhận thấy trong các bộ phim và các câu chuyện tưởng tượng giống nhau, trong đó không có thứ gì vượt qua được Lolita.

Về tác phẩm Lolita

Lolita được dựa trên câu chuyện có thật

Trong tiểu luận viết năm 1956, “Về cuốn sách với tựa đề Lolita”, Nabokov đã giải thích nội dung cuốn tiểu thuyết của mình và bác bỏ khẳng định rằng tác phẩm hư cấu nổi danh của ông được dựa trên sự tàn nhẫn.

“Với tôi, một tác phẩm hư cấu tồn tại chỉ ở mức độ mà nó cung cấp cho tôi thứ mà tôi sẽ gọi thẳng thừng là sự thỏa mãn cái đẹp. Đó là cảm nhận mà bằng cách nào đó, ở đâu đó, được kết nối với các trạng thái ở nơi nghệ thuật (sự tò mò, nhạy cảm, lòng tốt, sự mãnh liệt) là chuẩn mực”.

Nabokov không thích vạch ra các khuôn mẫu của yếu tố hiện thực với các câu chuyện tiểu thuyết, ông cũng không phải là một người hâm mộ việc tìm kiếm các quy phạm đạo đức mục nát trong tác phẩm của mình. Thể loại hư cấu là các ý tưởng sáng tạo chợt nảy mầm đã đưa tác giả đến các hoạt động theo đuổi văn chương đa dạng của mình, và chắc chắn đó không phải là câu chuyện kinh khủng được kể lại trong trường hợp của Sally Horner. Nhưng ai nói tiểu thuyết và hiện thực là các thể loại không bao hàm nhau? Sau cùng thì, hư cấu cũng bắt nguồn từ hiện thực trong cuộc sống.

Ở trong chính tác phẩm, Nabokov cũng có nhắc đến bi kịch của Sally. Humbert thấy mình ở quê nhà Lolita nhiều năm sau này và tự hỏi “Phải chăng ta đã làm với Dolly như những gì Frank Lasalle, một thợ máy 50 tuổi, đã làm với cô gái Sally Horner 11 tuổi vào năm 1948?” Đó là một cái gật đầu khá rõ ràng về nguồn gốc tác phẩm. Hơn nữa, sự giống nhau về mặt ngoại hình và cha mẹ của Lolita và Sally cũng đáng chú ý, và các ghi chép của nhà văn gợi ý rằng Nabokov đã thậm chí cân nhắc đưa vào một vài tình tiết giống với vụ bắt cóc Sally.

Không nghi ngờ gì khi Lolita là cuốn sách nhiều lớp nghĩa, nhưng chúng ta có thể soi xét câu chuyện dưới một luồng sáng mới khi nhận ra câu chuyện của Sally Horner ẩn giấu trong tất cả sự phức tạp của tác phẩm. Thật dễ để bỏ qua Lolita trong cuốn sách và tập trung đơn độc vào Humbert, nhưng ta không thể làm điều tương tự với câu chuyện thực tế được phản chiếu trong cuốn tiểu thuyết. Khi phải so sánh giữa sách và hiện thực, thật khó để không tập trung vào Lolita, vì thế các độc giả hy vọng có thể đưa ra từng góc cạnh của sự thật nằm trong sự giả tưởng. Vụ bắt cóc Sally là một câu chuyện ám ảnh và bóng ma của nó vẫn tiếp tục sống trong sự tồn tại lập lòe của Lolita trong tác phẩm và cái bóng luôn hiện hữu của em che phủ lên Humbert và người đọc. Tác phẩm này đã bất tử hóa Sally Horner hay chỉ đơn thuần là sự chuyển đổi việc cô bị bắt giữ từ La Salle đến các trang viết Nabokov? Hãy đọc và tự có câu trả lời của riêng mình.

Xem thêm chuyên mục review sách hay của Achaubook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *