Tuổi trẻ luôn có những hoài bão lớn lao, được tự do khám phá, được thể hiện bản thân, thoát khỏi những ranh giới trói buộc. Trên hành trình “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, mỗi người sẽ cần một cẩm nang để định hướng đường đi cho riêng mình.
Cuốn sách chứa đựng giá trị to lớn của người phụ nữ nhỏ bé
Tác giả Nguyễn Phi Vân với kinh nghiệm làm việc và sinh sống tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, trải nghiệm qua nhiều công việc từ dọn phòng, chạy bàn đến các vị trí lãnh đạo, cố vấn nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia. Chị là tác giả của các quyển sách nổi tiếng đã xuất bản như:
– Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới.
– Quảy gánh băng đồng ra thế giới – Bức tranh về nền kinh tế thế giới.
– Tôi, tương lai và thế giới
– Sổ tay ra thế giới
Không chỉ là doanh nhân, Phạm Phi Vân còn là diễn giả truyền cảm hứng cho các bạn trẻ có khát khao khẳng định bản thân. Cuốn sách “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” đã đúc kểt chân thực, đầy tâm huyết về tình hình kinh tế thế giới ở một số quốc gia và chặng đường 20 năm trở thành công dân toàn cầu của chính chị.
Từ củ tỏi ở Rome đến ớt Indonesia
Cuốn sách gồm 20 chương, mỗi chương đề cập đến một quốc gia, xuyên suốt từ Á sang Âu, từ châu Phi sang châu Mỹ. Mỗi trang sách tổng hòa đam mê, thích thú và khao khát được tương tác, khám phá những miền đất mới. Với góc nhìn sâu sắc về lịch sử, văn hoá, xã hội của người nhiều năm sống nước ngoài, cuốn sách là tấm bản đồ định vị để người trẻ hoà mình vào dòng chảy công dân toàn cầu. Ngoài ra sách còn cung cấp nhiều kiến thức về kinh tế được lồng ghép khéo léo qua từng câu chuyện, khá hữu ích cho độc giả muốn tìm hiểu về những đất nước xa lạ mà chưa có may mắn được đặt chân đến.
Các tiểu tiết nho nhỏ thú vị, độc đáo của từng quốc gia cũng được con mắt tinh tế của Phạm Thị Vân “xới tung” và bày ra trước mặt độc giả: như việc sơn móng kiểu UAE vừa thỏa mãn đam mê đẹp của chị em phụ nữ vừa lách được giới luật khắt khe của đất nước Hồi giáo, hay sự tôn sùng đến cuồng tín của người dân một làng nhỏ tại Ý đối với ẩm thực quê hương qua câu chuyện một củ tỏi hay chỉ là những quả ớt tươi, gia vị không thể thiếu trong các món ăn của Indonesia cũng cho người đọc biết được cơ sở hạ tầng quá tải tại đất nước này đã ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào.
Những mẩu chuyện được thêm vào khiến độc giả trầm trồ vì ngạc nhiên, thích thú nhưng cũng gợi nên nhiều suy ngẫm như một nốt lặng sau một cuộc hành trình đầy sôi nổi. Và “Quẳng gánh băng đồng ra thế giới” không chỉ giới hạn thông tin cho những ai muốn du lịch khám phá, thông điệp nó mang lại còn chứa đựng nhiều bài học hơn thế.
Thế giới rộng lớn…vậy bạn có gì để mang ra thế giới?
Mỗi câu chuyện về một quốc gia trong cuốn sách đều đáng để bàn luận, suy ngẫm, xuyên suốt tác phẩm tác giả luôn hướng người đọc vào việc xây dựng giá trị của chính bản thân mình. Chính giá trị truyền thống, nguyên bản nội tại kết hợp với tinh thần ham học hỏi sẽ dẫn dắt chú ếch nhỏ đủ sức băng đồng, không bị lạc lối, bị đè bẹp bởi những con sóng nơi biển lớn.
Tác giả đã từng nói với các nhà quản lý:“Hãy làm tốt nhất những gì bạn đang thực hiện. Đừng bao giờ phàn nàn là bạn đang hao tốn sức lực cho công ty. Cái bạn đang làm là xây dựng thương hiệu cho chính bản thân mình”. Người Do Thái có một câu chuyện ngụ ngôn thú vị về việc đánh đổi: Một người lữ hành rét cóng tìm được một lò sưởi và yêu cầu được sưởi ấm, lò sưởi trả lời nếu muốn lửa để sưởi thì trước tiên anh ta phải học cách cho củi vào lò đã.
Trong một thế giới nóng, phẳng, chật và quá nhiều thông tin, “Phải chăng những lời nói hoa mỹ, tráng lệ đã làm che lấp đi cái bình thường vĩ đại? Phải chăng điều phức tạp mà con người mãi đi tìm chỉ là cái tôi chân chất đằng sau lớp vỏ ngoài bóng lộn”, nó khiến bất kỳ ai cũng dễ dàng lạc lối, sợ hãi để bắt đầu?
Với gánh nặng đau thương, đổ nát của cuộc chiến tranh thế giới, nước Nhật bước vào hàng ngũ cường quốc thế giới bằng chính sức mạnh nội tại của mình, sức mạnh của lòng nhân ái, danh dự, trách nhiệm, sự lễ độ, chính trực, về danh dự của từng cá nhân.
Đất nước Singapore với hành trang từ một làng chài nhỏ giữa biển khơi, cư dân đa sắc tộc, không tài nguyên thiên nhiên, đã xây dựng được một đất nước được mệnh danh Châu Âu giữa lòng Châu Á chỉ bằng cách tập trung năng lượng tích cực vào chính bản thân họ, thứ duy nhất họ có thể ảnh hưởng được.
Vậy thì dẹp loay hoay, bỏ sợ hãi hay bị che mắt với những điều đao to búa lớn
Hãy bắt đầu bằng những điều giản dị được xây dựng bằng giá trị sự tử tế của bản thân, chậm rãi và bình tĩnh nâng cao kỹ năng, kiến thức rồi cơ hội sẽ đến. Một bí quyết đơn giản làm thay đổi vận mệnh con người mà sau nhiều năm bôn ba, tác giả mới nhận ra: “Đỉnh cao của sự tinh tế là tận cùng của sự đơn giản”.
Cuốn sách là cánh cửa thần kỳ mở ra góc nhìn mới mẻ, mỗi câu chuyện là một ghi chú bổ ích trong hành trang những ai đang muốn trở thành công dân toàn cầu. Thế giới ngoài kia có quá nhiều điều học hỏi: “Nếu chỉ chạy loanh quanh để kiếm hơn được một chút tiền, sao không đủ dũng cảm để chạy ào ra thế giới?”. Nếu người trẻ vẫn chưa thử “chạy ào ra, đâm sầm vào thế giới” thì vĩnh viễn cũng chỉ là một chú ếch, có khác chăng là ếch ta nhảy từ chiếc giếng nhỏ sang chiếc giếng to hơn, đẹp hơn, tiện nghi hơn. Còn biển lớn ư? vẫn sẽ chỉ là giấc mơ xa vời mà thôi.
Xem thêm chuyên mục review sách hay của Achaubook