Cuốn sách Blueprint là khởi đầu cho kỷ nguyên mới về công nghệ gen người được cho rằng sẽ giải quyết câu đố muôn thuở: là bẩm sinh hay do nuôi dưỡng
Chúng ta sẽ sớm đủ khả năng nhận ra việc một đứa trẻ sơ sinh – không biết chừng chính là con bạn – có nguy cơ bị mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và tâm thần phân liệt trong suốt cuộc đời của chúng? Chúng ta sẽ biết được xác suất con cái của mình gặp khó khăn trong việc học đọc, trở nên béo phì và có xu hướng mắc chứng Alzheimer trong những năm tới. Liệu đó có phải là tin tốt hay không?
Những lập luận của tác giả trong Blueprint
Ông lập luận rằng những hiểu biết chuyên sâu dạng này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khoan dung hơn dành cho những người thừa cân hoặc dễ bị trầm cảm; Điều này cũng giúp chúng ta hỗ trợ con cái tốt hơn cũng như lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Ông cũng hài lòng với việc khám phá ra phần lớn những gì chúng ta cho rằng thuộc về phạm trù nuôi dưỡng – môi trường chăm lo, động viên mà chúng ta gầy dựng cho con cái – nhìn chung không ảnh hưởng đến sự phát triển của con em chúng ta. Plomin giải thích rằng tương tự như sự dưỡng dục của gia đình, môi trường học đường cũng không ảnh hưởng đến việc chúng ta trở nên tử tế hay xấu tính, vui vẻ hay sầu não, giàu có hay nghèo nàn, và điều này tạo ra nhiều sự bình đẳng về mặt cơ hội hơn là trường hợp ngược lại. Thứ duy nhất có khả năng tác động đến tính cách của chúng ta cũng như nhiều mặt khác chính là DNA mà ta được thừa hưởng, và đây là những sự kiện mang tính cơ hội không một ai có thể kiểm soát được.
Đây chắc chắn là tin tốt nếu nhờ đó mà tri thức được đề cao hơn sự thiếu hiểu biết và tự ảo tưởng. Nếu các bậc cha mẹ đang lãng phí thời gian để kể những câu chuyện cổ tích cho con trước giờ ngủ khi chúng thực sự không muốn nghe, hoặc lãng phí tiền của họ vào học phí tại các trường tư thục đắt tiền, đây quả thực là một điều hữu ích nên được tiếp thu. Tôi không đủ khả năng để chất vấn về khoa học, và Plomin đã có 45 năm nghiên cứu trong lĩnh vực di truyền học nhân cách. Ông là người tiên phong trong việc nghiên cứu các cặp song sinh cùng trứng (với DNA giống nhau) lớn lên trong các gia đình khác nhau đồng thời so sánh với các cặp con nuôi và con ruột chung sống trong cùng một gia đình (không có sự chồng lợp trong AND (overlapping gene) của họ ngoài 99% mà bất kỳ ai cũng có). Bằng những nghiên cứu kể trên, không lạ gì khi chủ đề này đã lôi kéo hàng ngàn người tham gia và kéo dài trong nhiều thập kỷ, Plomin cùng các cộng sự đã tiến hành kiểm nghiệm sự đóng góp tương đối giữa gen và môi trường, hay nói cách khác là giữa bẩm sinh và nuôi dưỡng, trong việc hình thành nhân cách con người. Gen luôn giành phần thắng trong mọi trường hợp.
Plomin đề cập đến cuộc cách mạng công nghệ gen đang diễn ra
Và ông cho rằng không nghi ngờ gì nữa chắc chắn sẽ làm biến đổi cuộc đời mỗi người chúng ta cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên ta cũng cần cảnh giác đôi chút về việc di truyền học đang bị lạm dụng một cách đáng lo ngại. Thêm nữa là tình trạng đói khát dữ liệu cá nhân của các “chúa tể bóng đêm kỹ thuật số” Facebook hay Google khiến những mối quan ngại này càng trở nên đáng báo động. Đó là chưa kể đến việc các nhà tuyển dụng tiềm năng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tương tự vào cuộc. Những ai cho rằng xã hội của chúng ta có khả năng kiểm soát thời đại công nghệ gen người lên ngôi mà không để xảy ra hậu quả tiêu cực nào, đó hẳn phải là một người quá sức cứng đầu hoặc lạc quan hết thuốc chữa. Plomin đã tự mô tả bản thân là cả hai loại người đó. (Tôi thì lại có một cái nhìn ảm đạm hơn về thế giới mà chúng ta đang sống).
Những phản biện với tác giả Plomin
Dù ngả mũ kính phục Plomin với tư cách là một nhà tâm lý học và di truyền học, nhưng tôi cho rằng phương diện xã hội học của ông còn chút thiếu sót, thực chất là hơi có vấn đề. Thay vì phản đối di truyền học nhằm tạo ra sự bình đẳng về mặt cơ hội, Plomin lại cho rằng “sự di truyền có thể được xem như là một thước đo của cơ hội và chế độ đãi ngộ nhân tài (meritocracy )”. Làm sao có thể thế được? Tôi sẽ chẳng bao giờ có được cơ hội ngang bằng trong việc trở thành vận động viên chạy nước rút bởi lẽ gen của tôi không cung cấp cho tôi đủ các sợi co rút trong cơ bắp, và những ai sở hữu các gen ức chế khả năng đọc sẽ không bao giờ tận hưởng được sự thích thú mà tôi đã nhận được từ văn học. Plomin viết rằng “cơ hội là thứ mà ta giành được, không phải thứ được biếu không” và giáo dục nghĩa là “trẻ em có thể tìm ra những gì chúng thích và những gì chúng làm tốt, tại nơi mà chúng tìm ra bản chất di truyền của mình”.
Nhưng làm thế nào một đứa trẻ được điểm số đa hình ban tặng cho một tài năng hiếm có về âm nhạc tự nhận ra điều đó tại một vùng nghèo đói nơi mà môn âm nhạc đã bị loại khỏi chương trình giảng dạy? Khi viết về sự ảnh hưởng không đáng kể của môi trường gia đình, Plomin viết chính xác rằng sự bỏ bê và lạm dụng có thể có thể gây ra tác động vô cùng xấu đến sự phát triển cảm xúc và nhận thức của trẻ. Nhưng ông mô tả những điều này là “sự kiện hiếm khi xảy ra”, và có vẻ như không hề hay rằng vấn đề bỏ bê và lạm dụng, cũng như trầm cảm và lo lắng, cũng là những biến số liên tục, rất thường xuyên xuất hiện và dễ dàng bị bỏ qua.
Điều mà tôi đồng ý là “Ông thần “gen” đã được triệu hồi ra khỏi chai và, dù cố gắng đến đâu, chúng tôi cũng không thể đưa nó trở vào lại được”. Tôi hoan nghênh Plomin cho những thành tựu khoa học của riêng ông, đã mở hướng tiếp cận cho môn khoa học mới này, và thảo luận về những tác động tiềm năng của nó đối với xã hội. Tôi nghĩ ông ta thật may mắn làm sao khi có thể lạc quan như vậy: còn các gen của tôi lại đang kể cho tôi một câu chuyện hơi khác về kỷ nguyên mới của công nghệ gen người.
Xem thêm review sách hay tại Achaubook