Review lời tiên tri của giọt sương – Nhật Chiêu

lời tiên tri của giọt sương

Chuyến du hành của giọt sương khiến ta tri nghiệm ma trận nhân gian ở một góc nhìn xiên rất khác.

Cuốn sách Lời tiên tri của giọt sương nằm gọn trong lòng bàn tay này chất chứa nhiều loại truyện. “Truyện nhỏ”, “truyện lạ”, “truyện đêm”, “truyện đâu”, “truyện hư”, “truyện mê”, “truyện ai”, “truyện chơi” đến tận “truyện thời”. Mỗi một chuyện của Nhật Chiêu có một chất riêng cho phép người đọc mất ngủ vài đêm chứ chẳng đùa.

Có người thông suốt thì đọc hết Lời tiên tri của giọt sương trong vòng chưa đến 1 tiếng, có người ngô nghê thì mới đọc trang đầu đã vấp vào ma trận con chữ khó hiểu đến phát điên. Truyện lồng truyện, truyện thúc truyện khiến ta tưởng như tác giả ham kể. Nhưng sự thực câu chuyện dài nhất trong cuốn sách vẫn chưa đến 100 chữ cái, câu chuyện ngắn nhất chỉ có một chữ.

lời tiên tri của giọt sương

Điển hình như “Sử thi nàng Sita” chỉ gọn trong một chữ “Đất”. Dường như tác giả đã gọt tỉa, chắt đọng tất cả những điều muốn nói trong một vài con chữ. Kể nhiều thành ra thừa, chỉ có thể kể ngắn để chừa lại không gian rộng rãi, màu mỡ cho độc giả tự tìm tòi khám phá. Đã qua rồi một thời, nhà văn buộc phải nói hết tất cả để hoàn thành cuộc truy nguyên giấc mộng tìm tòi của nhân loại trên mặt giấy mỏng. Ngày nay, con người phải tự học cách đối mặt với cái nhìn trân trân của những con chữ vận ứng vào mình.

“Bài thơ anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”

(Chế Lan Viên – “Sổ tay thơ”)

Nhật Chiêu chính là người đã để cho mùa thu kết hợp với chính mình như thế mà tạo nên các phôi thai tác phẩm.

Các kỹ thuật được ông sử dụng trong thơ không những làm đối tượng nói đến được miêu tả trở nên bớt sờn cũ mà còn khiến bài thơ trở nên khó hiểu. Chính sự khó hiểu này khiến ta phải đọc chậm rãi, từ tốn, không thể tùy tiện gõ cửa từng trang sách, tập trung tinh thần vào từng yếu tố hình thức lẫn nội dung. Theo quy luật, sợi tơ cảm thụ của mỗi độc giả sẽ thoát khỏi thói quen thực dụng và tự động hóa để trở thành cảm thụ nghệ thuật độc đáo của riêng mình. Song song với đó, dẫu cố ý hay vô tình chính chúng ta cũng sẽ lớn lên, trưởng thành và bay xa hơn trong phi trường của nhận thức về ngoại giới xung quanh và nội giới trong chính bản thân mình.

Những đề tài hấp hối không yên

Trong chuyện “Tấm khóc, Bụt hiện ra” kể rằng: “LÓC THỊT CÁM LÀM MẮM XONG, Tấm chợt nhìn thấy Bụt bèn hỏi: “Tại sao Bụt dám khóc trước mặt TA?””. Kinh hãi thay cho một câu chuyện không cần quá nhiều lời dẫn chuyện lại khiến ta trăn trở như thế từ hình thức đến nội dung. Tấm trong trái tim mỗi người Việt là con người thế nào? Có phải là một cô gái lương thiện, nhân hậu, giàu lòng cảm thông với đồng loại mình hay chăng? Cổ tích luôn rõ ràng giữa trắng và đen nhưng không thể nào tách lớp được tâm hồn một người lương thiện. Trong tim mỗi người sinh ra cũng có những mảng tối mù màu dễ khiến bản tâm sơ thiện của ta lạc lối. Bụt từng là người có ân nhưng khi Bụt khóc vì thấy trái tim hiền lành của cô Tấm ngày nào đã mất đi thì cô Tấm thản nhiên hỏi với tâm thế vong ân “Tại sao Bụt dám khóc trước mặt TA?”. Con người rồi sẽ thay đổi. Dẫu rồi có là những con người sống trong cổ tích đi chăng nữa.

lời tiên tri của giọt sương

Giá trị thi ca trong mỗi dòng chữ của Nhật Chiêu rất cực tả. Ai đọc mà thấm sẽ ham đọc và ham tư duy về các đề tài mà ông đã gợi ra hết sức đường hoàng, không hề tùy tiện. Ông thích vừa làm xiếc ngôn từ vừa nhảy múa với tư tưởng được dấu kín sau con chữ. Cuộc hành trình lột tả ý nghĩa một câu chuyện, khám phá những đề tài trăn trở, hấp hối không yên là một cuộc hành trình vô tận mà ai cũng sẽ phải trải qua trong Lời tiên tri của giọt sương của Nhật Chiêu.

Trong truyện “Tiến hóa” kể rằng: “CẢ ANH CŨNG KHÔNG BIẾT Là mình đã hóa thành tinh tinh thật bao giờ sau nhiều năm đóng vai tinh tinh trong gánh xiếc”. Câu chuyện có nút thắt cũng có nút mở nhưng quan trọng ai sẽ là người mở nó. Con người tiến hóa như thế nào, sẽ quay trở lại làm vượn loại lớn-tổ tiên của chính mình ư? Bởi vì bản tính con người thuộc về lịch sử tiến hóa. Bởi vì chữ “con” luôn đi trước chữ “người”. Bởi vì cảm tính dễ chi phối con người hơn lí trí. Vậy nên, sau tất cả, có lẽ trong đầu mỗi bạn đọc đều chỉ còn câu in hoa như dứt mình ra khỏi câu chuyện nực cười về tiến hóa này “CẢ ANH CŨNG KHÔNG BIẾT”. Câu chuyện trên cảnh tỉnh, bảo vệ chúng ta khỏi nhãn mác văn minh trong xã hội cơ giới hóa, máy móc hóa hằng ngày hằng giờ hăm dọa, phủ nhận chúng ta về tình yêu, thù hận, đức tin của con người. Sự tiến hóa mà con người vẫn đang mang vác trên cuộc hành trình tìm kiếm chính mình ấy có lẽ nào lại trở về con số không?

Có những cuốn sách không hề đề cập đến bất cứ vấn đề nào của thời đại nhưng cứ khiến chúng ta liên tưởng, móc nối không thôi.

Thắt lưng của Chúa

Trong truyện “Khát”: “KHI MỌI NGƯỜI TRONG THÀNH PHỐ HÓA ĐÁ CẢ RỒI, một bầu vú căng sữa trong bóng tối bay đi tìm đôi môi biết khát”. Một ẩn ý rất cực tả khiến mỗi người đọc tự hỏi, có phải ta cũng giống như những con người “hóa đá” với trái tim vô hồn trong thành phố ấy. Nhưng thật đặc biệt làm sao, điều kéo chút hơi tàn ấm áp của nhân loại là hình ảnh ví von mang chút nhục dục.

Đến lúc này ta giật mình trước những thước truyện mà ta đã lướt qua, phải chăng Nhật Chiêu đang thay lời giọt sương kể một bản sớ tiên tri dằng dặc được gói ghém trong cuốn sách bé tầm một gang tay cho các con người đã, đang và sắp sửa “hóa đá” trong thành phố ấy.

Phải chăng chúng ta đã quá già cỗi để lắng nghe những lời tiên tri của giọt sương – thứ vật chất mỏng manh nhưng quý giá được tự nhiên tôi tạo nên mỗi sớm.

Mỗi sớm khi ta thức dậy, ta đã thấy gì? Có bao giờ ta mở đôi mắt chập chờn, nhập nhèm của mình sau một giấc ngủ dài để nhìn thế giới ở vị trí, góc quay chân thực không bị con người che đậy nhất như giọt sương?

Tất cả câu hỏi của bạn hãy cứ để nó tiếp tục tuôn chảy như dòng suối nhỏ bên trong thảo nguyên tâm hồn bạn. Bởi vì chỉ khi bạn dám trút linh hồn mình vào thắt lưng của Chúa – bộ khí giới hoàn hảo mà người đã ban tặng để đứng thẳng người, vươn mình chiến đấu với các câu chuyện nực cười, những mâu thuẫn vô nghĩa, những tiến hóa đau đớn điên dại của tự nhiên như trong Lời tiên tri của giọt sương đã kể, bạn mới dám là chính mình, mới dám chiến đấu với ma quỷ trong tấm gương mang tên cuộc sống mà Nhật Chiêu luôn khát cầu bạn đọc soi rọi.

Xem thêm chuyên mục review sách hay tại Achaubook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *